Babycuatoi.vn - Thế Giới Đồ Chơi Cho Bé

Chơi với trẻ thế nào để bé phát triển nhận thức và kỹ năng

Chủ nhật, 30/03/2014 - 08:46

Trong những năm tháng đầu đời của trẻ, việc phát triển các giác quan và học tập các kỹ năng là điều cần thiết. Khi còn nhỏ, các bé chơi chính là đang học tập những trải nghiệm đầu tiên của cuộc đời. Chơi như thế nào mới là đúng cách? chơi với đồ chơi gì, để bé lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần là điều các bậc cha mẹ nên quan tâm. Baybycuatoi.vn sẽ giúp các ông bố bà mẹ tìm ra cách chơi với bé đúng đắn nhất.

Để phát triển kỹ năng tư duy của trẻ, bạn nên đặt những câu hỏi dùng từ ngữ đơn giản, gần gũi và chính xác; và quan trọng nhất là bạn đừng yêu cầu quá cao ở trẻ, chỉ nên tập trung thực hiện từng bước một một cách hệ thống và đúng cách.

Có 6 hình thức phát triển về kỹ năng tư duy ứng với những loại đồ chơi trẻ em khác nhau dành cho bé. Đây là các loại phổ biến đối với mọi người, nên khi áp dụng với mỗi trẻ, bạn cần phải chỉnh sửa câu hỏi linh hoạt sao cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của bé, sao cho trẻ có thể hiểu một cách rõ ràng nhất.

1. Đồ chơi cho bé phát triển kỹ năng nhận biết:

Kỹ năng nhận biết bao gồm khả năng ghi nhớ, nhắc lại, sửa lại cho chính xác, phù hợp và cả nhận xét đúng – sai từ các dữ liệu có sẵn. Bạn có thể cho bé chơi piano đồ chơi và dạy bé cách ghi nhớ các nốt nhạc hay là đồ lắp ghép đơn giản.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?

Bạn nên sử dụng đúng những từ và cụm từ như: “khi nào”, “như thế nào”, “bao nhiêu”, “ở đâu”, “gì”… Những từ ngữ đơn giản và dễ hiểu sẽ giúp trẻ có được những câu trả lời chính xác.

Ví dụ bạn đặt câu hỏi:

- trong đàn có bao nhiêu màu?

- Có bao nhiêu phím trắng?

- Vừa nãy mẹ bấm nút nào nhỉ?

Trước khi dạy trẻ nhận biết về số lượng – cần phải giúp trẻ phân biệt được 3 đại lượng là: Một ( 1 ) Hai ( 2 ) và Ba (3 ) – trẻ phải hiểu rằng 3 thì lớn ( > ) hơn 2 – 2 thì lớn ( > ) hơn 1.

Cho bé lắng nghe âm, nốt cao, nốt thấp, dạy bé màu sắc.

2. Đồ chơi cho bé phát triển kỹ năng nhận thức: 

Nhận thức tức là nắm vấn đề hoặc hiểu được chính xác ý nghĩa thực sự của vấn đề, trong đó bao gồm cả việc nhận biết các sự vật và chất liệu. Bạn có thể cho bé chơi các loại búp bê làm bằng nhựa, bằng vải, bằng gỗ hoặc những đồ chơi bằng giấy và chỉ ra cho bé những bộ phận của nó, tương ứng với những mẫu thật có trong sách hay ảnh.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?

Sử dụng các từ và cụm từ như: “giải thích”, “mô tả”, “đoán”, dự đoán”, “phát hiện”, “xác định”… để giúp con bạn có thể giải thích, mô tả và đoán được nhiều thứ trong thế giới tự nhiên.

Câu hỏi ví dụ:

- Con búp bê này làm bằng vải hay bằng gỗ nào?(Trước đó bạn nói cho bé biết các đặc tính của gỗ, của vải, để bé tự nhận ra và đưa ra kết luận)

- Con thuyền giấy này có mui hay không có mui? Con chỉ cho mẹ xem mui của nó đâu nào? (Trước đo cho trẻ xem một hình vẽ các loại thuyền giấy, chỉ từng bộ phận cho con)

- Con có đoán được hình này là hình gì không? (Cho trẻ xem một loạt 5 hình có các hoạt động khác nhau và chỉ vào một hình – tốt nhất là hình chụp)

3. Đồ chơi cho bé phát triển kỹ năng ứng dụng

Kỹ năng này bao gồm việc vận dụng những thông tin hay chi tiết đã được học hoặc biết vào những điều mới lạ, chưa từng gặp trước đây.

Phát triển kỹ năng này như thế nào? 

Sử dụng các từ để khuyến khích trẻ áp dụng vào các tình huống mới. Các từ này có thể là: “chứng minh”, “chỉ cho mẹ”, “nói cho mẹ”…

Đặt câu hỏi ví dụ:

- Cô búp bê và chú lính chì này có gì khác nhau nào? (cô mặc váy còn chú mặc quần áo, cô tóc dài và chú tóc ngắn)

- Nói cho mẹ nghe ngôi nhà này có ống khói không?

4. Đồ chơi cho bé phát triển kỹ năng phân tích: 

Kỹ năng này bao gồm việc tách thông tin thành nhiều phần, đoạn để xem xét một cách chi tiết. Đây là một kỹ năng quan trọng để giúp trẻ có thể học được các bài học dài có nhiều chi tiết khác nhau.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?

Bạn có thể sử dụng những từ đơn giản và dễ hiểu như: “đâu là điểm khác nhau”, “giải thích”, “so sánh”… Khi được hỏi những câu có chứa các từ khóa này, bé sẽ bắt đầu suy nghĩ bằng cách chia tách câu hỏi thành nhiều phần. Bạn có thể dùng mọi loại đồ chơi nhưng thiên về các loại đồ chơi có tính ứng dụng và sáng tạo.

Đặt câu hỏi ví dụ:

Cho trẻ xem 2 con búp bê làm bằng chất liệu gỗ và vải và hỏi bé: Con sờ vào 2 chú búp bê này, con thấy cái có gì khác nhau không? (gỗ thì cứng và vải thì mềm), nếu bé vẫn không nhận ra được thì bạn có thể hỏi: Thế chú nào cứng, chú nào mềm hả con?

Chấp nhận mọi trả lời miễn là là hợp lý hay quan trọng hơn là trẻ hiểu được sự khác biệt là gì?

5. Đồ chơi cho bé phát triển kỹ năng tổng hợp:

Đây là kỹ năng hơi khó để trẻ em có thể học và hiểu được, vì nó liên quan đến việc vận dụng các thông tin, kiến thức hay kỹ năng trẻ đã được học và kết dính chúng lại thành một hình ảnh rõ ràng mà trước đó chính trẻ cũng chưa nghĩ đến. Theo quy luật phát triển bình thường thì trẻ trên 5 tuổi mới có khả năng phát triển kỹ năng này.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?

Bạn nên sử dụng những từ và cụm từ đơn giản giúp con mình kết hợp các thông tin mà bé biết để tạo nên một ý niệm mới thật rõ ràng. Đồ chơi bạn nên chọn là những bộ ghép hình hay bất cứ vật dụng gì trong nhà không gây nguy hiểm cho trẻ.

Đặt câu hỏi ví dụ: 

- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con vứt bộ ghép hình này xuống sàn? (nó sẽ tách ra từng mảnh)

- Điều gì sẽ xảy ra nếu cái ly nước bị đổ ? (nước sẽ đổ ra sàn nhà)

- Theo con thì chúng ta nên để cái ghế này ở trước hay sau cái bàn? (Sau cái bàn)

- Chú hươu cao cổ này sao cổ lại dài thế nhỉ? (để ăn lá cây trên cao)

6. Đồ chơi cho bé phát triển kỹ năng đánh giá:

Kỹ năng này bao gồm việc xem xét, suy luận, quyết định và đưa ra kết luận dựa trên một tập hợp các điều kiện hoặc tiêu chuẩn, không nhất thiết đúng hay sai.

Phát triển kỹ năng này như thế nào?

Bạn có thể dùng các từ khóa như: “đánh giá”, “ước lượng”, “giải thích”, “so sánh”…với các loại đồ chơi cùng loại nhưng khác nhau về số lượng, chất lượng hay một chi tiết nào đó.

Đặt câu hỏi ví dụ

- Theo con thì màu váy nào cô búp bê tóc vàng này mặc sẽ đẹp hơn? Váy màu xanh hay váy màu đỏ, hay màu vàng nào?

- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con mọc ra một đôi cánh? (Con có thể bay như chim)

- Con hãy lắng nghe và so sánh xem 3 nốt đàn mẹ đánh có gì khác nhau nhé?

Mỗi kỹ năng cần tập thường xuyên và không phê phán khi trẻ trả lời sai – Chỉ cần hỏi lại và đưa ra một số gợi ý.

Tùy theo độ tuổi và trình độ nhận thức mà bạn tập cho trẻ phát triển từ 3 kỹ năng cơ bản là Nhận biết – Nhận thức và ứng dụng cho đến các kỹ năng khó hơn là Phân tích, tổng hợp và đánh giá. Nhưng tất cả đều là những kỹ năng mà bạn nên cố gắng tập cho trẻ từng bước một vì đây là những kiến thức nền tảng cần thiết cho mọi hoạt động sau này của trẻ.

Xem nhiều bài viết khác với danh mục phát triển kỹ năng tại babycuatoi.vn:

Chia sẻ

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Đăng nhập hoặc Đăng ký ngay để đăng nhận xét!

Payment