Babycuatoi.vn - Thế Giới Đồ Chơi Cho Bé

DẠY CON CHIA SẺ NGAY TỪ TRONG NHỮNG TRÒ CHƠI

Chủ nhật, 28/07/2013 - 10:03

Bé Đại Miu bước sang tuổi thứ 3, cái tuổi mà tâm lý học vẫn gọi là tuổi “khủng hoảng”, bé không có anh chị em ruột nhưng lại có rất nhiều anh chị em họ, chẳng là nhà bé Miu đang ở trên mảnh đất của ông nội để lại, xung quanh có rất nhiều anh chị em con nhà cô, nhà bác. Nói là anh chị nhưng thực ra cũng chỉ sàn sàn tuổi Miu hoặc hơn Miu một chút thôi chính vì thế mẹ thường xuyên phải làm trọng tài phân giải mỗi lần các bạn nhỏ “chí chóe” nhau… Mẹ vẫn đùa ba nhà mình là một khu “chung cư” thu nhỏ, ba mẹ dành cho bạn một phòng trên tầng 2 để mỗi buổi chiều mấy bạn tập trung ở đây chơi đùa
Hôm ấy mẹ đang nấu cơm thì tự nhiên nghe tiếng kêu ré lên của anh Ku con nhà bác chỉ hơn Miu 2 tháng tuổi. Mẹ hốt hoảng chạy vào, anh Ku vừa khóc vừa nói: “ Em Miu đánh con, em Miu đánh con”. Mẹ nhìn sang Miu, trên tay con vẫn còn cái trống phát ra tiếng nhạc vừa dùng để đánh anh. Mẹ bực mình quá vừa dỗ anh nín vừa kéo Miu lại phát cho 2 cái thật đau vào mông. Miu khóc ré lên nhưng chỉ mấy phút sau con lại quên ngay, con tiếp tục chơi với anh và lặp lại hành động tương tự...
Mẹ bối rối thật sự, cả đêm mẹ trằn trọc không ngủ được, mẹ không lí giải được tại sao bình thường con hiền lành như thế, ai gặp con cũng khen con lành, con ngoan vậy mà con lại có phản ứng rất dữ dội khi anh chơi đồ chơi của mình. Nước mắt mẹ lăn dài, mẹ hối hận vì đã đánh con vì mẹ biết điều này hoàn toàn không giải quyết được tình hình thậm chí nó còn gieo rắc cách “ứng xử bạo lực” vào tâm hồn non nớt...
Mẹ bắt đầu tìm đọc sách báo, xin tư vấn của các chuyên gia tâm lý mặc dù mẹ cũng có đôi chút kiến thức về tâm lý lứa tuổi khi học trong trường...Mẹ hiểu ra nhiều vấn đề...

1011155_361984960591288_1248392375_n
Buổi tối mẹ ôm Miu vào lòng thủ thỉ:” Nói cho mẹ biết vì sao con đánh anh?”. Miu im lặng một hồi rồi mắt rơm rớm: Cái trống là của con, anh lấy của con...
Mẹ bắt đầu giảng giải cho bạn ấy hiểu đồ chơi là của con nhưng con cần chia sẻ với người khác, anh chỉ mượn chứ không lấy của con...Mẹ cũng hỏi lại bạn: “ Con sang nhà anh chơi, anh có cho con mượn đồ chơi không?”. Bạn lý nhí trong mồm: “ Có ạ!”. Mẹ cũng nghiêm giọng với bạn: “ nếu ngày mai con còn lặp lại hành động tương tự, mẹ sẽ nói anh không sang chơi nhà mình nữa, cũng không cho con sang nhà anh chơi nữa..”
Nói là vậy nhưng mẹ biết trẻ con rất nhanh quên. Mẹ tâm sự với ba về tâm lý con bắt đầu thay đổi và đề nghị ba chia sẻ với mẹ. Hôm sau, ba đi làm về sớm nấu cơm giúp mẹ để mẹ chơi với con và anh. Mẹ dạy con trò chơi “tuần tự”, mẹ chơi một lượt rồi đến lượt anh, rồi lại đến lượt con, cứ như vậy lặp đi lặp lại. Mẹ hỏi con: “ chơi chung có vui không con?”, con cười rạng rỡ: “ vui ạ!”
Mẹ cũng lần lượt chuyển vị trí chơi cho hai anh em, lúc thì ở nhà mình, lúc lại sang nhà bác, để con hiểu được rằng con cũng đang được người khác chia sẻ với mình.
Nhờ sự nỗ lực của mẹ, trộm vía chỉ 2 tuần con đã bỏ hẳn được tật đánh lại ai đó khi bị giành đồ chơi..Nhìn con thân thiện hòa đồng chơi với các bạn, mẹ thấy vui lắm. Sự cố gắng của mẹ đã được đền đáp rồi đấy!

Chia sẻ

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Đăng nhập hoặc Đăng ký ngay để đăng nhận xét!

Payment