kidstoy.vn - Thế Giới Đồ Chơi Cho Bé

Thương yêu và hòa thuận

Chủ nhật, 28/07/2013 - 10:19

Anh em là nghĩa là tình
Cùng chung cha mẹ nhà mình mà ra
Anh em nhường nhịn thuận hòa
Ông bà bố mẹ cả nhà cùng vui
…. Nghe anh Trí ê a gật gù cái đầu, tay chỉ vào quyển vở đọc bài còn em Bi ngồi bên ngọng nghịu đọc ( và chế) theo anh “ anh em… tình.. chung mẹ Nhung mình…” mà mẹ cứ muốn cười mãi thôi. Mẹ yêu các con, càng yêu hơn khi thấy hai anh em ngoan ngoãn, hòa thuận và biết yêu thương nhau.
Cũng chẳng phải tự nhiên mà 2 anh em chơi ngoan với nhau như thế được đâu. Trước khi có em Bi thì anh Trí bé nhất nhà, được ông bà và cả nhà cưng chiều lắm. Bất cứ thứ gì cũng dành cho anh. Con là chàng trai tình cảm nhưng được chiều quen nên sinh ra ương bướng, đòi hỏi thứ gì là phải có bằng được, nếu không là lăn ra ăn vạ, quấy khóc. Mẹ đã rất lo lắng, nhiều khi cáu gắt và tét mông con vì cái tính ương bướng ấy. Mẹ nghĩ rất nhiều cách, tham khảo nhiều phương pháp để thay đổi, uốn nắn cho con nhưng đều không hiệu quả. Đến khi mẹ mang thai em Bi thì mẹ thực sự lo lắng tới vấn đề 2 anh em! Mẹ sợ khi sinh em ra cả nhà chăm em bé, con sẽ cho rằng mình bị bỏ rơi, bị ghét bỏ, cả nhà không thương yêu con… rồi sẽ sinh ra tiêu cực. Mẹ đã lên cả một kế hoạch để cho con trai mẹ làm quen với việc con sẽ có em bé, lên chức anh và phải yêu thương em như thế nào. Mẹ mang thai em Bi 3 tháng thì bố đi làm việc ở nước ngoài. Buổi tối, chỉ có 2 mẹ con ta và em Bi đang còn trong bụng mẹ, mẹ dạy cho con cách “ nói chuyện” với em. Mẹ đọc truyện tình cảm gia đình cho 2 anh em nghe, dạy con cách nói ra cảm nghĩ về câu chuyện, nói cho con điều nên và không nên làm. Mẹ đọc cho con nghe bài thơ “ Làm Anh” rồi mẹ con cùng nhau nhớ lại xem trong bài thơ, làm anh thì phải đối xử với em thế nào?Có một món đồ chơi mới, mẹ gợi ý cho con rủ em cùng chơi, em còn trong bụng mẹ thì anh phải biết giữ gìn đồ chơi để em chào đời rồi sẽ cùng chơi với anh. Mẹ gợi ý cho con kể chuyện về em khi bố gọi điện về nhà.Ví dụ như hôm nay em nằm ngoan trong bụng mẹ, không đạp mẹ đau hay em hư không thích thịt nên làm mẹ cũng không ăn được. Thỉnh thoảng con còn tự biên tự diễn những câu chuyện ngắn ngắn vui vui giữa 2 anh em mà mẹ đã quay phim giữ làm kỉ niệm. Mẹ đã tạo sự gắn kết giữa 2 anh em, dạy cho con làm quen với việc con sẽ có em bé và trách nhiệm làm anh thì phải thế nào như vậy đấy.
Đến gần ngày mẹ sinh em thì con đã quen với việc mẹ gọi “ anh Trí”. Khi có ai trêu con rằng “ Mẹ sinh em bé rồi sẽ không yêu Trí nữa đâu” con đã không còn giãy nảy òa khóc như trước nữa, mà sẽ cong môi lên nói thật chảnh rằng “ Con làm anh rồi, Cho em bé mượn yêu của mẹ. Bao giờ em bé lớn bằng con thì mẹ yêu đều cả 2 anh em “ Chàng trai 5 tuổi của mẹ đã nói như thế đấy! Mẹ nghe mà yêu quá! Việc lên chức đã khiến cho con trai mẹ “người lớn” hơn hẳn đúng không nhỉ? Con 5 tuổi để làm anh, khoảng cách tuổi giữa 2 anh em không quá nhỏ, cũng không quá lớn, mẹ nghĩ là vừa đủ tuổi để 2 anh em con vừa làm bạn chơi với nhau,con vào tầm tuổi trẻ con hiếu thắng, thích thể hiện mình. Tất nhiên mẹ đã lợi dụng tính thích thể hiện của con để nói cho con biết làm người anh tốt thì phải biết yêu thương, nhường nhịn em thế nào.Ngày mẹ sinh em là mùng 7/1 âm lịch, vừa qua Tết mấy ngày. Bố không có nhà, con theo mẹ lên bệnh viện, nhất định không chịu về nhà, khóc tèm lem mặt mũi đòi đợi bé ra con cho em quả bóng bay để dành từ hôm Tết. Mẹ đồng ý vì con trai mẹ đã ngoan và yêu em bé như thế cơ mà! Mẹ sinh em Bi lúc 11h30 đêm, về phòng hậu sinh cũng gần 1h sáng, vậy mà vẫn thấy anh Trí còn thức, tay ôm khư khư hộp sữa cho em. Con đã chụp một tấm hình cho mẹ và em( mẹ in ra và cài vào nhật kí cho các con rồi đấy), cố nhét cái bóng bay vào tay em qua mấy lần tã dày tã mỏng,thơm em Bi một cái rồi mới chịu sang giường bên nằm ngủ. Thương con mẹ quá!
Những ngày sau này, mẹ không phải vất vả nhiều với việc giục con làm việc gì đó nữa. Con biết chủ động, tự giác làm nhiều việc như đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, đi vệ sinh trước khi ngủ hay giúp mẹ trông em lúc em ngủ, lon ton làm vài việc vặt nhỏ nhỏ giúp mẹ. Con nói là “ vì con lớn rồi, con làm anh gương mẫu cho em Bi” Mẹ vui lắm!
Nhưng vì con chỉ hơn em 5 tuổi, con làm anh của em bé thôi chứ vẫn chưa lớn lắm đâu. Nên không thể tránh khỏi lúc 2 anh em trành chọe, tranh đồ chơi, giành đồ ăn thậm chí là giành nhau xem ai được mẹ ôm đi ngủ . Chỉ cần các con không gây xung đột đánh cãi khóc nhè thì mẹ chấp nhận những cuộc tranh luận nhỏ nhỏ giữa 2 anh em cho các con được vui vẻ. Mẹ nhớ lúc em Bi 20 tháng, con 6,5 tuổi con ăn cơm thì em đi tới tranh bát của con đúng không? Con đã giằng lại cái bát, xô em ngã làm em khóc toáng lên, đổ hết cả cơm ra nền nhà. Mẹ chạy lại bế em Bi, quát con rất to. Con òa khóc, vứt cái thìa đang cầm trên tay xuống đất và gào lên “ Em Bi cướp bát của con trước chứ. Sao mẹ không mắng em Bi lại mắng con? Mẹ chỉ yêu em Bi thôi phải không? Chỉ có em Bi là con của mẹ, còn con là con của bố thôi chứ gì?”Mẹ giật mình nín cười vì triết lí trẻ con của con, nhưng mẹ cũng nhận ra là lúc ấy mẹ không đúng. Ôm cả 2 anh em còn đang khóc nhè vào lòng, mẹ xin lỗi và giải thích cho con biết là con không nên xô em ngã, em cũng buồn và khóc nhiều như khi mẹ mắng con vì em sẽ nghĩ con ghét em đó. Nếu em lấy đồ của con thì con phải gọi người lớn giúp chứ không được tự ý giành dật làm em sợ, lại còn làm hỏng đồ của con nữa. Con mẹ khi ấy vẫn còn ấm ức nhưng đã nghe ra và nín khóc. Mẹ nhận ra là với các con thì thay vì quát mắng, việc dùng lời lẽ giải thích cho các con hiểu ra vấn đề sẽ giúp giải quyết vấn đề hiệu quả hơn nhiều.

1013122_364179237038527_1227660376_n
Lại có lần em Bi đành hanh dành bút sách không cho anh Trí học, mẹ mắng thì em lại ném cây bút vào người mẹ. Mẹ giận, tét mông em Bi 2 cái liền làm em khóc. Anh Trí chạy lại “ nạt” mẹ: “ Sao mẹ đánh em đau thế? Em sợ quá đây này” Rồi quay qua ôm em lau lau nước mắt, xoa đầu em “ Bi ngoan, nín đi, nín đi anh thương. Nín đi rồi ngồi chơi ô tô nhé, tí nữa anh học xong anh chơi với em”. Thế mà Bi nín thật, nước mắt vòng quanh ngồi chơi đồ chơi một mình, ngó lơ mẹ luôn. Mẹ đã phải đến xin lỗi em Bi. Mẹ biết là lần sau mẹ không nên nóng giận với các con, sẽ làm mẹ mất đi bình tĩnh mà làm việc không sáng suốt. Mẹ đã bố trí lại thời gian cho hợp lí và góc học, góc chơi riêng cho 2 anh em để anh Trí tập trung vào học, không bị em Bi phá bĩnh nữa.
Giờ đây, anh Trí đang nghỉ hè chuẩn bị lên lớp 2 và em Bi thì 2,5 tuổi rồi. Buổi sáng khi mẹ đi làm, em Bi thỉnh thoảng vẫn khóc đòi theo mẹ, anh Trí lại chạy ra ôm em rồi dỗ dành” Bi ngoan ở nhà với anh, để mẹ đi làm lấy tiền mua sữa cho anh em mình nào…vào đây anh đọc truyện MonMon ( Doreamon ) cho nghe/ anh xếp hình máy bay cho mà chơi”. Thế là em Bi mếu máo dặn mẹ mua sữa nhưng vẫn lon ton theo anh vào nhà. Đôi khi vẫn chí chóe giành nhau đồ chơi, giành nhau xem hoạt hình hay tranh nhau chỗ ngồi gần bố mẹ nhưng mẹ rất vui vì anh Trí đã người lớn hơn, ngoan, ra dáng anh hai, biết nhường nhịn em Bi hay đành hanh lắm rồi. Anh Trí còn biết sáng tạo ra lớp học mà anh là thầy giáo vừa ôn lại bài tập nghỉ hè cô giáo giao về nhà, vừa dạy em Bi nữa cơ đấy. Bài tập viết mẹ dạy con từ đầu năm học, giờ con đang ê a dạy lại cho em Bi đọc theo
Đã là anh là chị là em
Đôi khi phải biết nhịn thèm cho nhau
……
Mãi yêu thương, nhường nhịn, bảo ban nhau chăm ngoan thế này các con nhé! Mẹ yêu các con thật nhiều!

Chia sẻ

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Đăng nhập hoặc Đăng ký ngay để đăng nhận xét!

Payment